Tết trong ký ức tuổi thơ tôi

Ngày còn bé, thấy mẹ và các cô bác bên hàng xóm tất bật lo lắng chuẩn bị Tết và than thở với nhau “chưa kịp làm gì đã lại Tết rồi, sợ thật!”, tôi cứ thắc mắc tự hỏi sao Tết thích thế mà mẹ lại sợ? Bọn trẻ chúng tôi thì chỉ mong đến Tết vì đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong một năm. Tết với lũ trẻ chúng tôi là được nghỉ học, cũng không phải lội trong giá rét để lùa trâu ra đồng ăn cỏ và ăn những món ăn ngon, mặc quần áo đẹp đi chơi, được nhận tiền mừng tuổi... những thứ mà ngày bình thường thật khó mà có được.


Giờ đây đã trưởng thành và cũng gánh trách nhiệm là người phụ nữ trong gia đình tôi mới thực sự hiểu sao ngày xưa mẹ và các cô, bác hàng xóm đều sợ mỗi khi đến Tết. Thời khó khăn, những người phụ nữ như mẹ phải rất khéo léo trong chi tiêu, bớt chỗ này, thêm chỗ kia mới có được một cái Tết tương đối đủ đầy cho gia đình mình.
Ngày xưa, vào mỗi phiên chợ Tết, mẹ không chỉ đi mua mà còn là người đi bán. Quê tôi vùng Trung du, hầu như nhà nào cũng có một nương chè. Cái rét ngọt cuối năm cùng sương muối xuống dày khiến cây chè chỉ he hé được những búp non còm cõi. Mẹ cặm cụi nhặt từng búp đó mang về sao khô, tích cóp. Trước buổi chợ Tết, bà phải thức cả đêm sao lại trên chảo to để chè “lại hương”, ngày mai bán được giá. Chợ ở quê tôi cứ 5 ngày họp một lần nhưng đến phiên chợ Tết, phiên chợ cuối cùng của một năm, luôn họp vào ngày 28/12 âm lịch. Phiên chợ này to nhất, giống như ngày hội của những người nông dân quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, cấy cày. Hầu như cả làng, cả xã ai cũng có mặt tại phiên chợ này. Họ đi chợ để mua sắm nhưng cũng là dịp gặp người chung xã, chung làng...
Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác háo hức mỗi lần được mẹ cho theo đến chợ. Ngay từ sớm tinh mơ, dù trời rét buốt và mưa phùn, chẳng cần mẹ phải gọi lâu đã tự giác chui ra khỏi chăn, xỏ vội vàng đôi dép chạy theo, bám vào một bên quai làn của mẹ, lội bộ hơn hai cây số đường vừa bẩn vừa trơn đến chợ. Đó là nơi mà trong con mắt của một đứa trẻ nhà quê giống như thiên đường, chỉ ước giá như được mẹ cho chơi mãi ở đó.
Khắp chợ, những dãy hàng hóa bày la liệt. Thích nhất là đi ngang qua dãy hàng bán đồ chơi xanh đỏ, nhiều khi vì mê mải ngắm nhìn mà bị lạc mẹ lúc nào không biết. Ở một góc chợ, thường có một ông lão ngồi nặn tò he là nơi mà tụi trẻ con chúng tôi thường xúm xít, trầm trồ ngắm những con ngựa, con gà, hay bông hoa... đủ màu sắc dần hiện ra từ đôi bàn tay khéo léo của ông. Lần nào tôi cũng níu tay, khóc lóc đòi mẹ mua cho bằng được một thứ, như cái vòng tay bằng nhựa màu đỏ xinh xắn hay một con tò he còn thơm mùi bột nếp, chơi xong có thể ăn luôn được...
Sau một vòng quanh chợ, khi đã mua đủ những thứ cần thiết, bao giờ mẹ cũng ghé vào một hàng bán quần áo mua cho tôi một bộ để mặc trong ngày đầu năm mới, thay cho những bộ quần áo lấm lem đầy vết nhựa cây và đã cộc lên ngang ống chân. Mẹ cũng không quên mua cho bà nội chiếc khăn hay chiếc áo len ấm. Nhưng hình như tôi không thấy mẹ mua sắm gì cho riêng mình cả...

Đêm 30, ngồi bên bếp củi đỏ rực canh nồi bánh chưng cả mấy anh em không đứa nào chịu đi ngủ. Rồi cũng đến lúc “thăm” bánh, mẹ vớt ra chiếc “bánh vét”, là chiếc bánh được gói cuối cùng, thường thì thiếu mất miếng thịt, hụt đi ít đỗ làm nhân, hay gói bằng chiếc lá bị rách, được đặt trên cùng trong nồi để nếm trước xem bánh đã chín hay chưa. Với riêng tôi thì đó là những miếng bánh chưng ngon nhất. Bánh được mẹ cắt ra bằng chính chiếc lạt giang buộc bên ngoài, bốc khói nóng hổi, nhìn rõ từng hạt nếp xanh bóng, màu của lá dong thấm vào, thơm nồng mùi nếp quyện cùng nhân đỗ và thịt mỡ. Cắn một miếng là cảm nhận được vị dẻo thơm, nồng đượm, một hương vị rất đặc trưng ngày Tết ấm áp lan toả. Đúng lúc ấy, tiếng pháo nhà ai nổ giòn báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã đến. Mẹ vội chuẩn bị lễ cúng giao thừa, cầu mong một năm mới bình an, may mắn cho cả gia đình. Lũ trẻ chúng tôi nếm xong bánh mới chịu chui vào chăn bông ngủ một giấc thật say. Sáng mai thức giấc, nhận những tờ tiền mừng tuổi mới tinh của ông bà, cha mẹ, biết rằng mình đã lớn thêm một tuổi rồi... Bây giờ, mọi thứ đều tiện lợi, đầy đủ. Các con tôi, nếu muốn có thể ăn bánh chưng bất cứ lúc nào chứ không cần phải đợi đến ngày 30 Tết như xưa nữa. Những phiên chợ thì ngày một nhiều và hầu như được mở ở mọi chỗ, mọi nơi, ra ngõ đã gặp. Trẻ con bây giờ có lẽ chẳng còn biết đến cái cảm giác háo hức bám áo mẹ đi chợ Tết hay ngồi gà gật chờ bánh chín đêm giao thừa... Bỗng dưng tôi lại thấy tiếc cho tuổi thơ của con tôi, và những đứa trẻ khác chẳng có được những cảm giác thật đặc biệt về Tết như tôi từng có.


Xem thêm video mẫu lịch tết 2018 lịch lò so 7 tờ

Chuyên Thiết kế, ép nhũ, in lịch tết * Liên hệ: 024.37750984 – 01686441979



Nhận xét

Bài đăng phổ biến